top of page

Hướng Nội – Quiet by Susan Cain

Updated: Sep 22, 2020

Có ít nhất một phần ba dân số Thế giới là người hướng nội.



Xuất bản: 2012

Thể loại: “Self-help” với một góc độ rất khác

Trang: 333

Đánh giá: 4/5

Tác giả: “Quiet – The power of Introverts in a World that can’t stop talking” có thể xem là cuốn sách nổi tiếng nhất của Susan Cain, xuất bản bởi New York Times và đã được dịch sang hơn 30 thứ tiếng kể từ ngày ra mắt. Là người hướng nội toàn phần, Cain đã dành rất nhiều thời gian trong suốt sự nghiệp của mình để đi tìm câu trả lời về sức mạnh của những người hướng nội. Bà đã diễn thuyết chủ đề này tại Microsoft, Google, Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ hay chương trình TED Talks năm 2012, đến thời điểm này có hơn 24 triệu lượt xem.


"Hướng Nội" là tổ hợp của rất nhiều câu chuyện. Cain đã chia sẻ một cách khá ấn tượng các nhân vật có thật này để bảo vệ cho những lập luận kiên định của bà về sự đóng góp vĩ đại của những người hướng nội dành cho xã hội, từ bức tranh Hoa Hướng Dương của Van Gogh đến phát minh máy tính cá nhân của Henry Edward Roberts. Không phải quan điểm nào của Cain cũng đủ sức thuyết phục, nhưng ít nhất Linh nhận ra (hy vọng mọi người cũng thế khi đọc xong) mình đã nghĩ sai về một phần nào tính cách của những người xung quanh. Quan trọng hơn, để nhận ra bản thân mình là người hướng ngoại không toàn phần.


  • Hình mẫu người hướng ngoại lý tưởng

Có thể nói Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới khi hội tụ rất nhiều hình mẫu về những người hướng ngoại. Tại trường đại học Havard, "giao tiếp" được xem là môn học bắt buộc mà ở đó các quy định đặt ra nhằm mục đích biến người hướng nội thành hướng ngoại. Điểm số được đánh giá dựa vào số lần bạn phát biểu trên lớp thay vì chất lượng của những cuộc thảo luận. Hoạt động ngoại khoá hay tiệc tùng cuối tuần cũng không ngoại lệ. Tất cả đều là những yếu tố quan trọng giúp bạn thành công tại Havard hay còn hơn thế nữa. Đa số các phương pháp giáo dục hiện nay đang tập trung định hướng chúng ta về những người hướng ngoại kiểu mẫu. Các bạn trẻ được khuyến khích “hãy tự tin bước ra ngoài xã hội và giao tiếp nhiều hơn”.

Tuy nhiên, có một thông tin khá thú vị khi tại Mỹ "ít nhất một phần ba dân số là những người hướng nội". Họ – những người hướng nội – đã và đang che giấu bản chất thật, vẫn đang đấu tranh mỗi ngày để hoà nhập tại chính nơi làm việc của mình và xã hội.



Sự táo bạo, quyết đoán trong các quyết định của một nhà lãnh đạo luôn được đề cao hơn sự chu đáo và thận trọng. Và việc tôn sùng chủ nghĩa hướng ngoại, theo Cain, đã đổi lấy sự thất bại thê thảm – cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008. Quá nhiều quyền lực được tập trung trong tay những người háo thắng và ưa mạo hiểm. Còn những người bẩm sinh đã cẩn thận, hướng nội hơn và biết tính toán cân nhắc hơn thì bị nghi ngờ và hắt hủi. Nếu thiên tài được tạo ra từ 1% cảm hứng và 99% mồ hôi nước mắt thì nền văn hoá của chúng ta có khuynh hướng chỉ đề cao cảm hứng. Chúng ta thích vẻ loé sáng của 1%, song sức mạnh vĩ đại lại nằm trong 99% còn lại.


  • Vậy có nên thay đổi để phù hợp?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng “thuyết dây thun” trong tính cách có thể giúp chúng ta kéo dãn bản thân để ứng biến và phù hợp với từng hoàn cảnh sống. Người hướng nội hoàn toàn có thể giả vờ hành xử như những người hướng ngoại. Chúng ta đã có một Susan Cain vượt qua nỗi sợ hãi, tự tin diễn thuyết tại chương trình Ted Talk với hơn 10,000 khán giả tham dự. Nhưng, dây thun cũng chỉ có thể căng đến một mức độ nhất định. Một phần đáng kể trong con người chúng ta được quyết định bởi gen di truyền, não bộ và hệ thần kinh. Có một hiện tượng mang tên “rò rỉ hành vi”, là khi chúng ta để lộ con người thật qua những ngôn ngữ cơ thể vô thức. Đâu đó vẫn có trong Cain sự bất an trước mỗi lần diễn thuyết. Và chính Cain cũng không hi vọng chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

“We can stretch our personalities, but only up to a point. Our inborn temperaments influence us, regardless of the lives we lead.” – Susan Cain

Chắc không ai trong chúng ta xa lạ với Warren Buffett, nhưng có bao nhiêu người biết ông là một người hướng nội điển hình? Buffett không chỉ hãnh diện về những thành tựu đạt được trong quá khứ mà ông còn tự hào về những tiêu chuẩn đặt ra cho bản thân. Vào thời kì khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Buffett có bài viết đăng trên tờ New York Times, với tiêu đề: "Buy American. I Am" với ý khuyến khích các nhà đầu tư mua cổ phiếu vào. Ông đã bị chỉ trích dữ dội do sau đó khi thị trường cổ phiếu Mỹ tiếp tục lao dốc. Tuy nhiên, giá cổ phiếu tăng trong những năm hậu khủng hoảng đã chứng minh ông đúng. Với lối tư duy chỉ nghe theo bản năng, Buffett đã trở thành nhà đầu tư thành công và là người giàu thứ tư thế giới sau Jeff Bezos, Bill Gates và Bernard Arnault với khối tài sản lên đến 85 tỷ USD (2019).



Quan điểm của Cain thật ra khá đơn giản! Mỗi người chúng ta nên biết chọn ánh sáng phù hợp với cuộc đời mình. Với một số người đó là ánh hào quang trên sân khấu, còn với số khác là ánh đèn trên bàn làm việc. Nếu là người hướng nội, hãy tận dụng nguồn sức mạnh bên trong của bạn – sức mạnh của lòng kiên trì, sự tập trung và tính nhạy cảm – làm những việc bạn yêu thích và cảm thấy có ý nghĩa. Rất nhiều người hướng nội như Abraham Lincoln, Bill Gates, Eleanor Roosevelt, Barbra Streisand, Gandhi... đã và đang xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp hơn. Vậy có lý do gì mà những người hướng nội không có sự tôn trọng họ xứng đáng được nhận?


"Hướng Nội" là cuốn sách rất phong phú về nội dung – rất nhiều nghiên , thí nghiệm, dẫn chứng và lập luận – mà Cain đã quá tham lam khi cố gắng gói gọn chỉ trong vài trang giấy. Đối với những bạn mới bắt đầu đọc sách, sẽ tốn khá nhiều trí lực để có thể thẩm thấu và hoàn thành trọn vẹn cuốn sách. Nhưng, nếu bạn là người hướng nội hay người hướng ngoại đang dành tình yêu thương, sự quan tâm đến những người hướng nội, cuốn sách này thật sự dành cho bạn. Nguồn tư liệu tuyệt vời này của Cain chắc chắn sẽ giúp bạn thay đổi tư duy, nhìn nhận lại các mối quan hệ xung quanh theo chiều hướng tích cực và thấu hiểu hơn.


Thanks for your reading!

LbL

Komentar


bottom of page