top of page

Kiểm soát và giải toả căng thẳng STRESS

Updated: Jan 23, 2020

Căng thẳng (stress) là một phản ứng tự nhiên của não bộ khi đang cố gắng đối phó với những áp lực tiêu cực đặt lên nó. Trong một số trường hợp, stress có thể là tiền đề của chứng rối loạn tâm lý và trầm cảm.



STRESS và dấu hiệu của STRESS


Có nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể gây stress. Chạy đua với công việc (work deadlines), cân đối chi phí sinh hoạt mỗi tháng, "ùn ứ" xe giờ cao điểm hay đơn giản chỉ là các cuộc tranh luận. Sẽ rất bất ngờ khi chiếm tỉ lệ không nhỏ là những stress được chính bản thân chúng ta tạo ra. Là một trải nghiệm bình thường của con người, không phải mọi stress đều có hại. Nếu biết vận dụng đúng cách, đôi khi stress sẽ rất hữu ích ở các tình huống cần áp lực để chúng ta có thêm động lực. Các nhà nghiên cứu đã đúc kết rằng stress cấp tính có thể giúp não giữ được tỉnh táo, theo đó tạo ra sự cân bằng tốt hơn cho hiệu suất làm việc.

Stress sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng nếu được chuyển từ cấp tính sang mãn tính. Các triệu chứng stress có thể khác nhau giữa mỗi người. Phổ biến nhất là rối loạn giấc ngủ, tinh thần không thoải mái, dễ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, thiếu động lực. Hoặc như thay đổi thói quen ăn uống, sử dụng nhiều rượu bia hay các loại thuốc khác...Những triệu chứng này, nếu không được kiểm soát và giải toả tốt, vô tình sẽ làm stress ngày một trầm trọng hơn.


Chọn phương pháp khoa học để kiểm soát STRESS


Có nhiều phương pháp để kiểm soát stress. Chúng ta có thể chọn những phương pháp khác nhau cho cá nhân mỗi người, nhưng điều tiên quyết đều cần phải làm là thay đổi. Thay đổi tình huống hoặc thay đổi thái độ của chúng ta trước tình huống đó. Rõ ràng không có phương pháp nào hoàn hảo, hiệu quả với tất cả mọi người hay phù hợp với mọi tình huống. Quyền chủ động hoàn toàn thuộc về chúng ta. Sắp xếp mọi thứ khoa học hơn, tiếp tục chịu đựng hoặc mạnh dạn thay đổi đều do bản thân chúng ta quyết định.


Tránh những STRESS không cần thiết: Có stress chúng ta cần phải đối mặt để giải quyết, cũng có stress chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ. Con số đó không hề nhỏ.

  • Lời từ chối hoàn hảo: "Không" có lẽ là từ quan trọng và có sức mạnh nhất trong ngôn ngữ. Mỗi ngày chúng ta đều thấy mình trong các tình huống cần nói "không" – trong gia đình, ở nơi công sở hay bên ngoài xã hội. Hãy học cách từ chối nhận thêm trách nhiệm ở những giây phút cuối. Và hãy nhớ đó phải là một lời từ chối tích cực.

  • Tránh những mối quan hệ tiêu cực: Bi quan và hay suy nghĩ tiêu cực trong thời gian dài cũng có thể gây ra stress. Nếu không có khả năng giúp ai đó từ tiêu cực chuyển sang tích cực, tốt nhất nên giới hạn thời gian dành cho mối quan hệ đó trước khi bị nó ảnh hưởng.

  • Giảm bớt danh sách việc cần làm (to-do list): Sẽ gây rất nhiều hoang mang dẫn đến stress nếu to-do list là một danh sách quá dài và khó có thể được hoàn thành hết. Cố gắng chọn sự ưu tiên của bản thân ở từng thời điểm, tập trung giải quyết các công việc "cần" làm thay vì các công việc "nên" làm.


Thích nghi với các tác nhân gây STRESS: Nếu không thể thay đổi môi trường, hãy thay đổi bản thân. Tập làm quen với những tình huống gây stress, lấy lại sự kiểm soát và bình tĩnh bằng cách thay đổi kỳ vọng và thái độ của chính chúng ta.

  • Chuyển hướng vấn đề bằng quan điểm tích cực: Thay vì khó chịu về cuộc tranh luận không như mong đợi, hãy xem đó là cơ hội để chúng ta lắng nghe suy nghĩ của người khác, tìm phương án phù hợp dung hoà ý kiến cả hai.

  • Đối diện với tình trạng gây stress: Hãy tự hỏi stress sẽ gây ra những hậu quả gì cho sức khoẻ của chính chúng ta? Có thực sự đáng khi cứ mắc kẹt trong nhưng suy nghĩ luẩn quẩn, chồng chất ngày qua ngày? Nếu câu trả lời là không, hãy tập trung thời gian và năng lượng của bạn ở những điều xứng đáng hơn.

  • Điều chỉnh tiêu chuẩn của bản thân: Cầu toàn cũng là một trong những yếu tố chính gây ra stress. Chúng ta nên ngừng việc đặt cho bản thân và người khác những yêu cầu quá khả năng. Hãy học cách hài lòng với sự "vừa đủ".

Chấp nhận những điều chúng ta không thể thay đổi: Gần đây nhất Thế giới đang đối mặt với nạn cháy rừng lớn nhất trong lịch sử nước Úc. Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Úc và người dân. Chúng ta không thể thay đổi. Chỉ có thể chấp nhận. Sự thật này có thể khó khăn, nhưng hãy nghĩ về lâu dài, đâu là điều nên làm thay vì cứ mong đợi chúng chưa từng xảy ra.

“What doesn’t kill us makes us stronger.” – Friedrich Nietzsche
  • Đừng cố gắng kiểm soát những thứ không thể kiểm soát: Cuộc sống là chuỗi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Thay vì stress, hãy tập trung vào những điều có thể kiểm soát, đó là cách chúng ta chọn để giải quyết vấn đề. Có rất nhiều tổ chức chính phủ đứng lên kêu gọi Thế giới ủng hộ những nạn nhân tại các khu vực cháy rừng của Úc cũng như bảo vệ hàng loạt động vật có khả năng bị tuyệt chủng sau thảm hoạ. Nếu có thể, chúng ta hãy cùng chung tay chia sẻ với nước Úc ở giai đoạn khó khăn này. #prayforAustralia #prayformysecondhome

  • Chia sẻ cảm xúc của bản thân: Chọn một người đáng tin cậy, có thể là một người bạn, cũng có thể là một bác sĩ tâm lý. Đôi khi ngoài lắng nghe chúng ta, họ sẽ không giúp thêm được gì, nhưng ít nhất sự chia sẻ đã giúp chúng ta giải toả tâm lý và giảm stress.

  • Học cách tha thứ: Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và mọi người đều có thể mắc sai lầm. Hãy chọn cách buông bỏ sự tức giận. Giải phóng bản thân khỏi năng lượng tiêu cực bằng cách tha thứ và tiếp tục nhìn về phía trước.


Giải toả STRESS bằng cách nuôi dưỡng bản thân


Bên cạnh kiểm soát stress với trách nhiệm và thái độ tích cực, chúng ta có thể chọn giải toả stress bằng việc nuôi dưỡng bản thân. Đừng bị cuốn vào cuộc sống hối hả đến nỗi quên việc chăm sóc nhu cầu của chính mình. Nuôi dưỡng bản thân là một điều cần thiết, không phải một điều xa xỉ.

  • Dành thời gian cho bản thân: Cố gắng dành ít nhất 30-60 phút trong lịch trình mỗi ngày của bản thân để nghỉ ngơi và thư giãn. Các hoạt động giải trí mang lại cho chúng ta niềm vui, hãy cố gắng duy trì đều đặn để cuộc sống tinh thần được đủ đầy. Đừng để các nghĩa vụ khác lấn chiếm thời gian này. Đây chính là thời gian để chúng ta tạm quên đi các trách nhiệm và sạc lại pin cho các hoạt động kế tiếp.

  • Cười thật nhiều: Những người thích cười luôn có mức độ hormone stress thấp hơn người bình thường. Khi mức độ của các hormone này giảm, không chỉ thể chất mà cảm xúc của chúng ta cũng sẽ trở nên tích cực hơn, giúp máu huyết lưu thông, và tăng cường thể lực.

  • Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động nên làm khác như luyện tập thể dục thể thao, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng caffeine và đường, hạn chế bia rượu thuốc lá và đặc biệt là ngủ đủ giấc.


Stress có thể xảy ra ở tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Để kiểm soát tốt stress, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với suy nghĩ, cảm xúc, môi trường sống của chính mình cũng như cách chúng ta giải quyết vấn đề. Mục tiêu cuối cùng là cân bằng được cuộc sống với thời gian dành cho công việc, gia đình, các mối quan hệ và nhu cầu bản thân. Chỉ có tinh thần lạc quan mới giúp chúng ta đối phó tốt với các áp lực và tự tin đương đầu với các thử thách trong cuộc sống.


Thanks for your reading,

LbL




Comments


bottom of page