top of page

Lời từ chối hoàn hảo – The power of a positive No by William Ury

Updated: Jan 23, 2020

Cách nói Không mà vẫn có được sự đồng thuận


Xuất bản: 2007 bởi Bantam

Thể loại: Kỹ năng sống, đàm phán thuyết phục

Số trang: 308

Đánh giá: 5/5

Tác giả: William Ury, là nhà đàm phán, hòa giải nổi tiếng Thế giới, và là người đồng sáng lập Negotiation program cũng như chỉ đạo dự án Preventing War của Harvard Law School (HLS). Trong hơn 30 năm làm việc, khách hàng của ông bao gồm hàng chục công ty trong danh sách Fortune 500 cũng như Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.


Lời từ chối hoàn hảo (LTCHH) được viết dựa trên những bài giảng của Ury trong các khóa hoc tại HLS, hoàn thành bộ ba tác phẩm, bắt đầu với Getting to Yes, tiếp sau là Getting Past No. Dù được xuất bản sau cùng nhưng Ury nhận định rằng mỗi cuốn sách tuy riêng biệt nhưng lại bổ sung hỗ trợ cho nhau và hơn nữa xét về mặt logic, LTCHH là nền tảng của 2 cuốn sách trước.

“Save the Deal, save the Relationship, and still say NO”

KHÔNG có lẽ là từ quan trọng và có sức mạnh nhất trong ngôn ngữ. Mỗi ngày chúng ta đều thấy mình trong các tình huống cần nói KHÔNG – trong gia đình, nơi công sở hay ngoài xã hội. Cốt lõi khó khăn khi nói lời Từ chối chính là xung đột giữa thể hiện quyền lực và bảo vệ mối quan hệ.


Thể hiện quyền lực, cốt lõi của việc Từ chối, có thể khiến các mối quan hệ căng thẳng, trong khi bảo vệ mối quan hệ có thể khiến quyền lực suy giảm. Vì thế, nói KHÔNG đúng cách thật sự là một khoa học. Để giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa quyền lực và quan hệ, Ury hướng dẫn khá chi tiết trong cuốn sách này gồm 9 bước được chia làm 3 giai đoạn.


GIAI ĐOẠN 1: CHUẨN BỊ TỪ CHỐI

  • Bước 1: Khám phá điều bạn đồng thuận

Việc xác định rõ điều bạn ủng hộ giúp cho bạn biết mình đang đi đến đâu với lời nói Không và cho bạn niềm tin duy trì nó khi gặp sự phản đối. Lời nói Không là cho nhu cầu của bạn, chứ không phải chống lại người khác. Thay vì việc bác bỏ người khác bằng cách nói Không, hãy nói Có với những gì bạn quan tâm nhất.

  • Bước 2: Tạo sức mạnh cho lời từ chối

Sau khi xác định rõ mục tiêu, bạn cần phải có phương án dự phòng để bảo vệ mối quan tâm của bạn cũng như dự đoán những động thái có thể của người khác. Nếu bạn Từ chối yêu cầu của người khác, họ có thể làm gì để buộc bạn phải nhượng bộ? Và bạn có thể làm gì để thực hiện Từ chối của bạn và tiếp tục đứng vững?

  • Bước 3: Tôn trọng để được đồng thuận

Hãy nhớ rằng khi Từ chối, bạn đang nói với họ những điều họ không muốn nghe. Sự tôn trọng sẽ làm họ dễ thông cảm với lời nói của bạn thay vì gạt bỏ chúng. Nó làm giảm mức độ của phản ứng tiêu cực và nhận được sự đáp lại đầy thiện chí. Lời Từ chối dự định đưa ra càng có tác động mạnh bao nhiêu, càng cần phải thể hiện sự tôn trọng bấy nhiêu.


GIAI ĐOẠN 2: BÀY TỎ TỪ CHỐI

  • Bước 4: Thể hiện điều bạn đồng thuận

Cách mà bạn bắt đầu lời Từ chối là đưa ra lời giải thích. Lời giải thích có thể là một lời tuyên bố cụ thể, lời tuyên bố tôi, lời tuyên bố chúng tôi hoặc kết hợp. Bạn không nên đổ lỗi hay làm người khác xấu hổ. Bạn không cự tuyệt họ. Đơn giản là bạn khẳng định mối quan tâm, nhu cầu và giá trị của mình.

  • Bước 5: Khẳng định lời từ chối

Việc nói Không rất dễ bị hiểu thành sự cự tuyệt và xúc phạm, hãy nhớ rằng mục đích của bạn là bảo vệ. Nó phải có tác dụng là không làm hại người khác và bảo vệ bạn khỏi sự tổn hại. Bảo vệ mà không cự tuyệt chính là bản chất của lời Từ chối tích cực.

  • Bước 6: Đề xuất một khả năng đồng thuận

Khi bạn đóng một cánh cửa, hãy mở ra một cánh cửa khác. Thay vì đặt họ vào tình huống không thoải mái, việc đưa ra lời đề nghị có thể lật ngược tình thế và tạo cho họ cơ hội để khước từ đề nghị của bạn. Nghe có vẻ hơi kỳ nhưng điều này sẽ xoa dịu ý nghĩ bị cự tuyệt, giúp cân bằng tình huống để tiếp tục duy trì mối quan hệ.


GIAI ĐOẠN 3: HOÀN TẤT TỪ CHỐI

  • Bước 7: Bảo vệ điều bạn đồng thuận

Đa số mỗi người đều trải qua các giai đoạn chung của cảm xúc khi tiếp nhận lời Từ chối, họ sẽ liên tục đưa ra hàng loạt động thái để phản ứng lại điều đó. Để kiên định với lời nói Không, bạn có thể phân tích từng chiến thuật của đối phương như nịnh hót, dụ dỗ, tấn công cá nhân, đe dọa…Qua đó, bạn có thể trung hòa tác động của nó lên mình cũng như giúp bạn suy xét độc lập và tự kiểm soát.

  • Bước 8: Tái khẳng định lời từ chối

Mọi người có thể không muốn nghe bạn nói Không, hay sẽ Từ chối hoặc bị sốc. Vì thế, đôi khi bạn không chỉ nói Không một lần mà phải nhắc đi nhắc lại cho tới khi người đó hiểu được ý mình muốn truyền đạt. Để có thể nhấn mạnh lời Từ chối, bạn cần phải kiên định và bền bỉ, sử dụng những kết quả logic, hãy cảnh báo đừng đe dọa và triển khai kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu nhất xảy ra.

  • Bước 9: Đàm phán để đạt được sự đồng thuận

Bạn bắt đầu bằng việc Đồng thuận với những nhu cầu mình quan tâm nhất, và giờ bạn kết thúc bằng việc giúp người khác nói lời Đồng thuận để tạo ra kết quả đáp ứng những nhu cầu đó. Chìa khóa là ở chỗ bạn xây cho người khác một cây cầu vàng, tạo điều kiện cho họ Đồng thuận với lời đề nghị và Đồng thuận với một mối quan hệ vững bền hơn.


Rất khó để đưa toàn bộ những điều hay trong cuốn sách chỉ qua vài dòng review, bên cạnh việc hướng dẫn chi tiết cách làm cho từng bước, Ury còn dẫn chứng các tình huống xung quanh ông từ chuyện gia đình, công sở hay các cuộc đàm phán chính trị. Vì vậy, việc mua cuốn sách này để đọc và nghiền ngẫm theo Linh nghĩ là hoàn toàn hợp lý đối với những ai muốn tăng tính thuyết phục trong khả năng đàm phán của bản thân.


BÀI HỌC CHO BẢN THÂN

May mắn có một tình huống bản thân Linh đã áp dụng khá thành công sau khi đọc xong cuốn sách này. Cụ thể là, bên cạnh những ngày trong tuần, Linh phải làm thêm thứ 7 vì tính chất công việc. Gần đây, Linh đã xin Sếp cho phép chỉ làm sáng thứ 7 và dành thời gian chiều sắp xếp học thêm một ngoại ngữ.


Để đưa ra quyết định này, Linh khá đắn đo vì thời gian làm việc là bắt buộc, đã ký trong HĐLĐ và đồng nghiệp của Linh vẫn phải đi làm vào thứ 7. Tuy nhiên trau dồi thêm một ngoại ngữ là nhu cầu, mong muốn của bản thân, nó giúp Linh không những có thể giao tiếp thêm một thứ tiếng nữa mà còn cả việc cân bằng thời gian dành cho công việc và cuộc sống hiện tại.


Chuẩn bị cho lời đề nghị Từ chối này, Linh đã dự phòng cho mình 2 phương án khi trao đổi cùng Sếp. Thứ nhất là chuyển giờ học vào tối các ngày trong tuần để không phải nghỉ thứ 7, tuy nhiên lịch công tác dày đặc của Linh cũng không thật sự phù hợp. Phương án thứ hai có phần quyết liệt hơn được chuẩn bị nếu Sếp Từ chối lời đề nghị, là Linh sẽ không nhận lương cho buổi chiều thứ 7 và sẵn sàng làm thêm việc nếu có phát sinh.


Với sự chắc chắn trong kế hoạch đưa ra, Sếp đã đồng ý cho Linh vắng mặt chiều thứ 7 không thay đổi lương và đương nhiên Linh vẫn đề nghị sẽ hỗ trợ đồng nghiệp nếu có công việc cần thiết. Hơn nữa, vì sự tôn trọng nhất định dành cho Sếp cũng như sự bất-khả-kháng của Linh, Sếp không những vui vẻ chấp nhận mà còn trêu Linh có cần Sếp giới thiệu cho một anh Taiwan Kiều ^_^.


Trái ngược với lời Từ chối thông thường bắt đầu và kết thúc bằng Không, lời Từ chối tích cực được hướng dẫn bởi Ury bắt đầu và kết thúc bằng “Có! Không. Có?” Từ Có đầu tiên (Khẳng định) thể hiện lợi ích, từ Không (Từ chối) xác định quyền lực và từ Có thứ hai (Khẳng định) thúc đẩy mối quan hệ. Bởi vậy, lời Từ chối tích cực có thể cân bằng quyền lực và mối quan hệ nhằm phục vụ lợi ích.


Tuy nhiên đôi khi bạn cũng cần cân nhắc giữa mong muốn nhu cầu cá nhân và lợi ích của tập thể để đưa quyết định phù hợp. Đơn cử vẫn là việc học thêm ngoại ngữ vào cuối tuần, Linh sẵn sàng nghỉ vài buổi nếu có công tác đột xuất và tại thời điểm đó rõ ràng điều đó cần được ưu tiên, mình hoàn toàn có thể thương lượng với giáo viên sắp xếp thời gian học bù sau đó. Tóm lại, nếu bạn biết cách Từ chối khôn ngoan và khéo léo, bạn có thể tạo ra những gì mình muốn, bảo vệ những gì bạn coi trọng và thay đổi những thứ không còn đúng nữa.


Thanks for your reading,

LbL

Comments


bottom of page